Đến thời điểm thai nhi 39 tuần tuổi, bé đã đủ ngày để sẵn sàng đón chào một thế giới mới. Cơ thể bé tiếp tục tích tụ lớp mỡ dưới da để kiểm soát thân nhiệt của mình khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
1. Thai nhi 39 tuần tuổi hình thành và phát triển như thế nào?

Lông tơ và chất nhầy trên da bé được tái hấp thu vào trong. Từ đó chúng sẽ xuống dạ dày và ruột. Những thứ trên kết hợp với chất dịch mật và tế bào chết tạo ra phân su. Đây là một chất đặc quánh có màu đen. Chất này sẽ được thải ra trong lần đi ngoài đầu tiên của bé, được gọi là phân su.
Cơ thể thai nhi 39 tuần tuổi không phát triển nhanh như giai đoạn trước. Nhưng bộ não bé lại phát triển với tốc độ chóng mắt. Chỉ trong vòng 1 tháng qua nhưng não bé đã tăng trưởng thêm 30% rồi đấy mẹ ạ.
Bạn cần quan tâm đến những cử động của thai nhi trong giai đoạn này. Nếu có sự thay đổi nào, thai nhi tăng hoặc giảm đáng kể những chuyển động, bạn cần phải báo ngay cho bác sĩ.
Giờ đây, thai nhi đã phát triển hoàn thiện và sẵn sàng chào đời. Một số trường hợp, thai nhi được sinh ra trong thời điểm này.
2. Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao khi thai nhi 39 tuần tuổi?

Thai nhi 39 tuần tuổi, đầu của bé đè nặng lên cổ tử cung và gây áp lực lên cổ tử cung và làm tăng độ đau nhức. Mẹ có thể tham khảo một số phương pháp bấm huyệt, mát xa thư giãn để giảm bớt mỏi mệt, căng thẳng.
Vào thời điểm này, cổ tử cung của mẹ sẽ mỏng đi và bắt đầu giãn nở. Thông thường, cổ tử cung cần phải giãn đến 10cm thì bé mới có thể thoát ra bên ngoài.
Dịch âm đạo càng được tiết ra nhiều hơn. Đây là chất lỏng màu trắng do tế bào ở cổ tử cung sản xuất ra. Tuần thai 39, mẹ bầu nên làm xét nghiệm CTG (xét nghiệm đo tim thai và độ co thắt tử cung). Xét nghiệm này nhằm đánh giá sự trưởng thành của thai nhi. Ngoài ra, xét nghiệm cũng có thể giúp bạn kiểm tra lượng nước ối, kích thước của thai nhi và vị trí của nhau thai.
Ở tuần này, mẹ sẽ cảm thấy lo lắng khi ngày dự sinh gần kề nhưng mẹ vẫn chưa có một dấu hiệu đặc biệt nào. Ngày dự sinh dựa vào chu kỳ kinh nguyệt chỉ mang tính tham khảo. Ngay cả khi ngày dự sinh được tính toán khoa học, cũng có một số phụ nữ mang thai kéo dài nhưng không có lí do rõ ràng.
3. Lời khuyên dành cho mẹ mang thai 39 tuần

Trong trường hợp thai nhi 39 tuần tuổi vẫn chưa xoay đầu thì mẹ có thể được hướng dẫn một số bài tập. Những bài tập giúp thai xoay đầu để hạn chế việc sinh mổ. Có thể kể đến như bài tập nghiêng xương chậu. Hoặc bài tập quỳ gối dang rộng chân, cúi xuống để ngực và bụng chạm sàn. Bài tập nên thực hiện 3 lần/ngày.
Để tránh cảm giác hồi hộp, lo lắng, bạn có thể đọc một cuốn sách với nội dung kích thích trí tưởng tượng. Đồng thời, bạn cũng có thể xem một bộ phim tươi vui, dễ thương nhằm giết thời gian. Đồng thời giúp đánh lạc hướng khỏi sự lo lắng, hoang mang.
Nếu sức khỏe cho phép thì bạn có thể đi bộ nhiều hơn một chút. Điều này nhằm tăng áp lực từ đầu thai nhi lên cổ tử cung. Từ đó giúp cổ tử cung dần mỏng hơn và cũng dễ giãn nở hơn.
Mẹ đừng quên việc sẵn sàng cho túi đồ đi sinh của mình. Cũng như “ôn tập” lại một số kỹ năng cần thiết khi bắt đầu quá trình chuyển dạ để việc sinh con thuận lợi nhất. Và đặc biệt, mẹ cần theo dõi một số dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh để có thể kịp thời vào bệnh viện. Một số dấu hiệu chuyển dạ có thể kể đến như: vỡ ối, rối loạn tiêu hóa, bong nút nhầy, chảy máu âm đạo, đau nhói từ âm đạo xuống chân… Lúc này, mẹ có thể liên hệ với bác sĩ để vào viện kiểm tra nhé.