Đến giai đoạn thai nhi 24 tuần tuổi này, những cử động của bé trở nên rõ rệt hơn. Mẹ và bố nên dành nhiều thời gian để gắn kết với bé cả về thể chất lẫn tinh thần nhé.
Thai nhi 24 tuần được hình thành và phát triển như thế nào?

Tại thời điểm thai nhi 24 tuần tuổi, bé có chiều dài khoảng 34cm, trọng lượng bấy giờ khoảng 700g. Cơ thể bé bắt đầu tích mỡ, làn da nhăn nheo dần dần căng ra. Tóc bé mọc ra nhiều hơn. Thông qua màn hình siêu âm, mẹ có thể xác định được màu sắc và dạng tóc.
Những cử động của thai nhi 24 tuần tuổi trở nên mạnh mẽ hơn. Nguyên nhân do khối lượng nước ối được sản sinh trong thời gian này ít hơn trước đây. Hơn nữa, kích thước của bé cũng lớn hơn cộng với việc không có lượng nước ối lớn làm lớp đệm dày, thế nên mẹ sẽ cảm nhận những cú đạp rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
Lúc này, bé đã có thời gian vận động rõ ràng. Từ những khoảng nghỉ ngơi và hoạt động xen kẽ nhau, mẹ sẽ dần cảm thấy quen thuộc hơn.
Chân tay bé đã có thể duỗi ra. Tuy nhiên, bé vẫn thường co người lại, gấp hết cả chân lên. Mắt của bé bắt đầu mở ra, mí mắt không còn dính vào nhau. Thời gian này trở đi, bé sẽ luyện tập nhắm mắt, chớp mắt, tập nhìn vào trung điểm.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao khi thai nhi 24 tuần tuổi?

Sự thay đổi hormone trong cơ thể khiến tóc bạn ít rụng hơn bình thường.Trong tuần thai thứ 24, tổng lượng máu của bạn đã tăng lên 25% so với trước khi mang thai. Điều này sẽ khiến các ngón tay và mắt cá chân bạn bị sưng phù lên vào cuối ngày.
Chứng co thắt Braxton Hicks xảy ra thường xuyên hơn. Chứng co thắt này khiến dạ con của bạn co cứng lại vào những lúc bất chợt. Đặc biệt, chứng Braxton Hicks trở nên thường xuyên hơn mỗi lần cúi xuống, đứng thẳng lên hoặc sau khi leo cầu thang hoặc quan hệ tình dục.
Bạn bị đánh thức nhiều hơn do những chuyển động của thai nhi trong bụng. Những chuyển động này diễn ra là do bé phản ứng với việc bạn ăn đồ ngọt hay với âm thanh đang diễn ra bên ngoài.
Lời khuyên dành cho bà bầu mang thai 24 tuần

Trong giai đoạn thai nhi 24 tuần tuổi thì việc những bài tập thể dục cho bà bầu sẽ không gây ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, bạn cần nghe theo lời khuyên của bác sĩ với những quy tắc rõ ràng. Đó là không tập khi đang cảm thấy mệt mỏi và dừng lại nếu cảm thấy chóng mặt, khó thở. Đồng thời, mẹ cần tránh những môn thể thao có va chạm hoặc những bài luyện tập khiến mẹ mất thăng bằng.
Đây là giai đoạn hợp lý nhất để kiểm tra đường huyết, xét nghiệm sàng lọc glucose để xem mẹ có bị tiểu đường thai kỳ hay không. Một số dấu hiệu tiểu đường thai kỳ có thể kể đến như:
- Khát nước bất thường
- Đi tiểu nhiều
- Mệt mỏi, buồn nôn
Đồng thời, bác sĩ của bạn có thể lấy thêm một ống máu xem bạn có bị thiếu máu không. Nếu xét nghiệm cho thấy mẹ bị chứng thiếu sắt (dạng phổ biến của thiếu máu), bác sĩ sẽ đề nghị bạn uống viên sắt bổ sung.
Bổ sung những thức ăn giàu sắt như thịt đỏ, trứng, ngũ cốc, bông cải xanh. Nếu hàm lượng sắt trong máu thấp, bạn có thể uống thêm viên sắt. Thế nhưng những tác dụng phụ của viên sắt có thể khiến chứng táo bón của bạn nặng nề hơn.
Dù đã bước sang giai đoạn thai kỳ thứ 2 thì mẹ vẫn cần phải duy trì việc uống axit folic nhé. Nó sẽ giúp mẹ hình thành các tế báo hồng cầu, giúp mẹ chống lại việc thiếu máu.
Mẹ cũng nên chú ý tới cân nặng của mình. Nếu mẹ tăng cân quá nhanh thì cần hỏi ý kiến của bác sĩ về việc thay đổi chế độ dinh dưỡng cũng như thực hiện một số kiểm tra xem có vấn đề gì về sức khỏe hay không. Việc tăng cân quá nhanh trong thai kỳ cũng có thể gây những ảnh hưởng xấu đấy.